Loạn lớp học kỹ năng mềm

Nắm bắt được thực tế nhiều trường đại học hiện nay chỉ chú trọng giảng dạy “phần cứng”, sinh viên ra trường thiếu trầm trọng các kỹ năng cần cho công việc và cuộc sống, ngày càng nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng mềm ra đời. Do chưa có “chuẩn” giảng dạy cùng quy chế quản lí rõ ràng, việc đào tạo kỹ năng mềm tại các trung tâm đang dần trở nên hỗn loạn.

Từ khóa học siêu ngắn

Không khó khăn để 1 sinh viên bắt gặp những quảng cáo về tác dụng của lớp học kỹ năng mềm như ngay lập tức giúp bạn trở nên tự tin, hoạt bát, hòa đồng, giúp bạn nhìn ra con đường của mình, biến bạn thành 1 con người hoàn toàn khác… Nhưng có thật sự là như thế? Với một lớp học vỏn vẹn vài ngày?

Từng tham dự một khóa học “Đánh thức tiềm năng” tại Thanh Xuân, Hà Nội với giá cao ngất ngưởng 3,5 triệu / 2 ngày, Thế Sơn (ĐH Luật) cho biết “Thực sự thì giảng viên nói rất hay, dẫn chứng thực tế rất sinh động, mỗi khi học xong mình đều rất hăng hái. Nhưng 2 buổi học không thể giúp mình hiểu sâu bản chất của một vấn đề nên khi áp dụng rất lúng túng. Kết quả là ngoài sự hứng khởi ban đầu, mình chẳng thu được gì”

Ở một khía cạnh khác, bài giảng trong các khóa học kỹ năng mềm chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm cùng triết lý mà diễn giả đúc kết ra. Những câu chuyện này tuy có tác dụng rung cảm sâu sắc người nghe trong một khoảng thời gian nhất định nhưng sau đó sẽ phai nhòa dần. Nói các khóa học chỉ có tác dụng ngắn ngủi là vì thế. Hầu hết mọi lớp kỹ năng mềm ở trung tâm hiện nay đều được giảng dạy chớp nhoáng với thời gian ngắn ngủi đổ dồn trong khi đó giáo dục là một quá trình lâu dài kết hợp từ trường học tới cuộc sống.

Do thiếu tự tin, lo sợ yêu cầu về kỹ năng mềm của các công ty tuyển dụng quá cao lại muốn thay đổi mình trong khoảng thời gian ngắn, nhiều sinh viên vẫn tìm đến trung tâm đào tạo như một cứu cánh mà không tích cực rèn luyện bản thân, học hỏi trong cuộc sống. Do vậy, kết quả thu về không hề cân xứng với số tiền bỏ ra.

Đến bán hàng đa cấp trá hình

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các trung tâm đào tạo kĩ năng mềm liên tục đưa ra những chiêu khuyến mãi để thu hút sinh viên như giảm giá, tặng thêm khóa học, thậm chí là học…. miễn phí. Những lời đề nghị hấp dẫn cùng cam kết chất lượng của công ty được các bạn hào hứng truyền tai nhau nhưng trải qua rồi mới biết “trong chăn có rận”

Trần Tuấn (ĐH Sư phạm Kỹ thuật HCM) ngao ngán nhớ lại một lần được học miễn phí: “Lúc đầu nghe học miễn phí mình rất thích, vì sinh viên vốn không dư dả về tài chính. Đi học mới biết không mất học phí thì lại mất tiền điện, tiền nước, tiền phòng… Giảng viên thường xuyên tới muộn, mang tiếng học 10 buổi nhưng nghe giảng thật sự chỉ vỏn vẹn có hai ngày mà đóng tới 250.000đ”

Không chỉ thế, một số trung tâm đào tạo kỹ năng mềm còn sử dụng chiêu bài miễn phí như một miếng mồi lôi kéo, dẫn dắt sinh viên vào mô hình biến tướng của bán hàng đa cấp. Núp dưới danh nghĩa giảng dạy không mất tiền, các trung tâm này khéo léo đưa ra yêu cầu tuyển chọn học viên như: muốn được học chính thức phải giới thiệu thêm bạn bè, phải bán được vé dự hội thảo của trung tâm. Sau đó, trong quá trình giảng dạy bắt học viên bán các mặt hàng của công ty để “rèn luyệt thực tế”, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị… phạt tiền?!

Thanh Sang (ĐH Ngoại thương Hồ Chí Minh) kể: “Mình từng phải ấm ức khi đăng kí học một lớp kỹ năng mềm ở quận 3 – Tp.HCM. Chương trình đào tạo này hoàn toàn miễn phí nhưng học viên phải nộp hẳn 500.000đ để phạt nếu bạn đi học trễ, nghe điện thoại trong giờ. Trung tâm yêu cầu bán các mặt hàng được giao với mức lãi phải đạt là 500.000đ/tháng nếu không cũng bị phạt trừ tiền. Còn chưa kể các buổi hội thảo diễn ra tuần vài lần trong căn phòng nhỏ hẹp nóng bức, diễn giả liên tục lặp đi lặp lại những điều giống nhau.”

Thiết nghĩ, không có trường học kỹ năng nào bằng cuộc sống. Nhiệt tình tham gia các club sinh viên, các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng, gặp gỡ mọi người… cùng chia sẻ, cùng giao lưu, cùng làm việc kết hợp với đọc sách một cách có hệ thống – đó cũng là một cách không tồi để sinh viên trau dồi kỹ năng sống của mình.

Phùng Yến – Phương Giang

(Báo in K30A2)

Tiếng Việt

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya

Tiếng lụa xé đau lòng thỏi sợi trắng

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”

Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương

Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý âm thầm rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ

Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bể thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu

Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình…

– Lưu Quang Vũ –

Tôi đọc bài thơ này lần đầu tiên khi còn là một học sinh trung học… những bước đi chập chững đến với thế giới kì diệu của Văn học… tập tành học cách cảm nhận, học cách phân tích và vô cùng thích thú với những con chữ gợi ra cả một bầu trời…

Tôi và bạn bè đọc đi đọc lại nó nhiều lần, thi thoảng rảnh rỗi trong những buổi chiều đấy gió lại mang ra ngâm nga và chép vào trong cuốn sổ sờn gáy nghuệch ngoạc những bài thơ tình trẻ con. Thưở ấy, chúng tôi không nghĩ nhiều đến ý nghĩa sâu xa của tác phẩm hay cách sử dụng ngôn từ tinh tế của tác giả… Thích đơn giản là thích, nó đến như một điều tự nhiên, một cơn gió thoảng qua không chỉ làm ta thoáng lạnh mà còn khiến ta cảm nhận được cái mềm mại và tinh khôi của cuộc sống…

Cả bài thơ là một dòng chảy êm đềm nhưng hăng say, tưởng như yên bình nhưng đầy sức sống… Những thanh bằng, thanh trắc tinh tế thể hiện cái nhịp điệu vừa dồn dập ồn ã, vừa khoai thai nhẹ nhàng như mặt hồ yên ả gió đuổi sóng mềm.Đó là dòng chảy của không gian tuổi thơ đầy kỉ niệm, những hình ảnh thôn quê hồn hậu, giản đơn. Dòng chảy đằm thắm hơn khi con người khôn lớn, yêu thương và nâng niu, trân trọng và giữ gìn “hồn dân tộc Việt” mãi trong sáng, thuần khiết…

Tôi cũng đã nghe bài thơ khi được nhạc sĩ Lê Tâm phổ nhạc, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang thực hiện, mỗi từ mỗi câu cất lên đều “chạm tới tim người đọc”, làm sống lại những không gian cổ truyền cũ kĩ đơn sơ, những tình cảm nặng sâu ấm áp – một phần hồn đôi khi ta vô tình lãng quên trong cuộc sống chộn rộn toan lo. Để ta được thêm vài giây phút trút bỏ nhọc nhằn vẫn gánh gồng tháng ngày qua mà trở về với những gì bình – yên – nhất.


Tiếng Việt – với tất cả những cung bậc, sắc thái của mình đã được tác giả họa lại một cách tài tình như thế… Mỗi câu mỗi chữ đọc lên, ta nghe như cả tiếng quê hương từ ngàn xưa dội lại, âm vang mà dịu dàng. Có thể nói, trong gia tài đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, bài thơ là một viên ngọc sáng trong, lấp lánh ánh sáng của tài năng và lòng yêu vô bờ đối với quê hương, tổ quốc.

Giang Phương

Tuổi thơ dữ dội – Huyền thoại về những anh hùng chưa lớn

Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

 

Tôi thích cái cách người ta so sánh “Tuổi thơ dữ dội” như một câu chuyện thần thoại chứ không phải truyện cổ tích. Bởi nhân vật trong cổ tích thì hiền lành quá, cái thiện đối với cái ác, để chiến thắng luôn phải nhờ vào những điều không thật. Còn bao anh hùng nhỏ tuổi nơi đây, chiến thắng bằng tất thảy sự dũng cảm, kiên cường và niềm kiêu hãnh tuổi thơ của mình.

Nếu các tác phẩm văn học nhắc tới năm tháng đất nước xưa thường nhắc tới dân quân, bộ đội, thanh niên xung kích… những người trưởng thành đánh giặc. Thì “Tuổi thơ dữ dội” lại đi theo một con đường riêng, làm sống lại bao thế hệ trẻ thơ mà không hề có tuổi thơ… Ở đó, cái khái niệm bộ đội trẻ con và bộ đội người lớn là ranh giới nhưng không phải giới hạn cho những chiến đấu, hi sinh…

Tôi sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, mảnh vỡ bom đạn chẳng khác nào điều không thật còn lịch sử chỉ là màn sương mờ ảo trong lời kể và sách giáo khoa… Bởi vậy, tác phẩm này ám ảnh tôi ngày mới cầm nó trên tay, day dứt tôi tới tận bây giờ…

“Tuổi thơ dữ dội” xoay quanh cuộc sống của những thiếu niên 13 – 14 tuổi thuộc Đội thiếu niên trinh sát, Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu tại chiến trường Huế trong những năm khói lửa nhất, gian khổ nhất. Ở nơi mà cái đói, cái rét và bệnh tật luôn hành hạ… đạn bom kẻ thù hàng ngày hàng giờ rình rập đủ sức làm nao lòng tất cả những người trưởng thành kiên cường và cứng rắn.

Từ “Tuổi thơ dữ dội”, các anh hùng trẻ tuổi của chúng ta đã đem tới cho độc giả nhiều xót xa cũng lắm tự hào. Bao nhiêu lần cầm cuốn sách trên tay là bấy nhiêu lần tôi không khỏi rơi nước mắt. Khóc trước cuộc sống cơ cực thiếu thốn của các em trong cuộc chiến đấu gian khổ.. Khóc cho lòng dũng cảm và sự kiên cường. Xót thương cho những tâm hồn chân chất, mộc mạc, ngây thơ, những tính cách dí dỏm, vô tư, hồn nhiên… giữa một thời cuộc đầy sóng gió.

Đó là khi Lượm kiên cường chống chọi với băng Lép- sẹo trong nhà giam bẩn thỉu, hôi thối, không hé răng kêu than nửa lời với đòn tra tấn dã man của kẻ thù để bảo vệ đồng đội.

Đó là khi Quỳnh Sơn – ca thà chết trong đau đớn chứ không chịu theo người cha Việt gian của mình về chữa trị, giấc mơ âm nhạc hay giàu sang không đủ để đổi lấy tình đồng đội, không so sánh nổi với sự đói khổ, sốt rét, ghẻ lở bên anh em.

Đó là khi Vịnh “sưa” vô tình lạc vào kho vũ khí của giặc đã tìm cách trèo lên chiếc cột cao nhất rồi đánh cờ hiệu cho đài quan sát… Khi mà mọi người kịp đọc những dòng cuối cùng của em thì cũng là lúc em hi sinh. Hình ảnh em trở thành kim chỉ nam hướng dẫn quân ta tấn công và chiến thắng… Hình ảnh em hiện lên như một tượng đài bất tử trong lòng thành phố Huế gây bao xúc động và xót xa.

Tác phẩm viết về từng số phận, từng con người nhưng không hề cho người đọc cảm giác rời rạc và nhàm chán mà nó như một bản trường ca về sự gan dạ, dũng cảm đến khó tin nhưng lại ngây thơ, vô tư, nghịch ngợm vô cùng. Bao cung bậc cảm xúc, tính cách hòa quyện để ca lên bài ca đầy xúc động và tự hào về lịch sử tuổi thơ Việt.

Với “Tuổi thơ dữ dội” – tác giả Phùng Quán đã trả nợ xứng đáng công lao to lớn cùng sự hi sinh cao đẹp của các thiếu nhi vệ quốc… khi mà sách vở viết về mặt này quá ít, nhà văn Việt Nam còn mắc nợ các em rất nhiều.

Giang Phương

Lộn xộn trường thi bằng lái

 

Hàng trăm người nhốn nháo ngồi đợi gọi tên trong một căn phòng chưa tới 30m2, tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng quát tháo sang sảng, thi thoảng người cẩm hồ sơ lại lớn giọng nhắc đi nhắc lại “Ai không chắc chắn thì nộp tiền chống trượt. Khẩn trương”….  – đó là quang cảnh của một buổi thi lấy bằng lái tại Hà Nội

Sát hạch qua loa 

Trong vai thí sinh, chúng tôi có mặt tại một trường thi ở  Quốc Tử Giám, Hà Nội từ khá sớm, theo quan sát ban đầu thì hầu hết người có mặt đều rất trẻ và phần lớn là sinh viên, thi bằng lái lần đầu. Tuy mới 7h nhưng đã có hơn 200 học viên tới đứng ngồi chen chúc trong một căn phòng diện tích khoảng 30m2.

Quang cảnh hết sức hỗn loạn khi người đứng, người ngồi, những tiếng rì rầm phát ra không ngớt từ trong phòng làm thủ tục tới ngoài hành lang. Đợi tới 8h hồ sơ mới được mang tới, ai được gọi tên thì tiến lên bàn giấy vội vàng kí 7 chỗ cần kí rồi ra ngoài đợi để thi lí thuyết. Trong 7 chữ kí này, có cả chữ kí công nhận điểm thi lí thuyết và điểm thi thực hành mặc dù học viên chưa hề thi.

Ở trên bàn của những người làm hồ sơ, thi thoảng lại có điện thoại réo, 1 vài thí sinh được gọi lên trao đổi gì đó với BGK rồi được xếp thi trước. Hành vi ngã giá diễn ra ngang nhiên khi 1 trong những người hướng dẫn luôn miệng nhắc đi nhắc lại “Học luật chưa? Có nhớ được hết không? Không chắc chắn đỗ thì cô sẽ giúp, giúp bây giờ còn được chứ thi xong rồi là cô chịu. 100.000 thi lí thuyết, 200.000đ nếu cả thực hành” Khi nhận được tiền, cô này nhanh tay khoanh 1 vòng tròn vào số báo danh của người đưa tiền rồi xếp họ vào một phòng thi lí thuyết riêng biệt. Tại phòng thi “chống trượt”, có 2 vị giám kháo ngồi chấm bài, 2 vị đi từng bàn chỉ đáp án cho thí sinh, tất cả diễn ra chưa tới 3 phút.

Sự nhốn nháo không chỉ dừng lại ở đó, trong phần thực hành, 3 vị giám khảo ngồi trong bóng cây, cách sân thi hơn 30m cắm cúi ghi chép hoặc tán gẫu, chỉ khi thí sinh thi xong mới ngẩng lên gọi người tiếp theo. Thậm chí, một vật bắt buộc phải mang khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông là mũ bảo hiểm cũng được đội qua loa, thậm chí không đội mà không ai để ý.

Thấy chúng tôi bất ngờ về hiện trạng này, anh Đặng Sơn (Thanh Xuân – Hà Nội) tỏ ra quen thuộc “Đây đã là lần thứ 3 mình đi thi bằng lái do bị mất. Lần nào cũng như một cái chợ”

Mũ bảo hiểm đội qua loa

 

Người điều khiển xe mù mờ về luật

 Trong ngày thi này, tất cả những người được hỏi về việc chuẩn bị kiến thức để thi lấy bằng đều trả lời: học hơn 1 tiếng là thi được

Trường Giang (ĐH Luật) cho biết: “Sau khi nộp hồ sơ tại 1 trung tâm gần trường Thương Mại, theo đúng hẹn mình đến học lí thuyết. Buổi học chưa tới 1h đồng hồ, người ta nói sơ qua về biển báo, cách nhìn sa hình rồi chủ yếu dạy các… mẹo thi lí thuyết. Chỉ cần nhìn qua mẹo này, đọc chữ đầu tiên của câu hỏi là biết ngay đáp áp”

Mẹo thi lý thuyết

Thật ra, các mẹo này không chỉ có các trung tâm phát cho học viên mà còn nhan nhản ở trên mạng, được viết theo kiểu “chia sẻ kinh nghiệm” thi bằng lái!? Bên cạnh “mẹo”, một vài người nhận được bộ đề tham khảo gồm 10 tờ, mỗi tờ 15 câu hỏi trắc nghiệm với lời cam kết chắc như đinh đóng cột “Cam kết chỉ thi vào mấy câu này thôi”.

Khó hiểu với buổi học lý thuyết chớp nhoáng, chúng tôi lại càng khó tin hơn khi Phùng Yến (sinh viên học viện báo chí) cho hay: “Mình chả phải tham dự lớp học thực hành nào cả. Nộp hơn 400.000đ là người ta đảm bảo đỗ”

Hỏi kĩ hơn về tiêu chuẩn của cơ quan được phép đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cũng không ai nắm rõ. Những người đến thi bằng lái phần lớn đăng kí qua các trung tâm hoặc nhờ người nhà đăng kí hộ với mức giá rất khác nhau. Khi làm hồ sơ, hầu hết thí sinh nộp cho trung tâm từ 200.000đ đến 250.000đ và 1 bản sao CMT, 6 bức ảnh 3×4 – được giải thích là lệ phí làm các thủ tục hộ. Lúc đến thi thực hành nộp thêm 100k cho người làm hồ sơ nhưng chỉ nhận được 2 tờ biên lai “Biên lai thu tiền phí, lệ phí có mệnh giá” 30.000đ và 40.000đ. Trong biên lai này không hề ghi đơn vị thu, ai thu và không hiểu 30.000đ không có biên lai kia (lại) chi vào mục nào???

Những tờ biên lai khó hiểu

Cơ quan chức năng buông lỏng quản lí

Theo số liệu mới nhất từ cục CSGT đường bộ, có tới 70% vụ tai nạn giao thông gần đây là do mô tô, xe máy gây nên. Và số vụ tai nạn do đối tượng thanh thiếu niên đang tăng ngày một cao. Đấy là con số cảnh báo cho hiện tượng buôn lỏng quản lí các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A1. Bởi trong các yếu tố gây tan nạn giao thông, có một phần không nhỏ là kĩ năng điều khiển và ý thức của người lái xe.

Hiện nay, tuy đã có quy định dành cho các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe như về điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên tham gia giảng dạy, số buổi học lý thuyết, học thực hành… nhưng các quy định này hầu hết không được tuân thủ hoặc thực hiện rất sơ sài. Có thực trạng này là do sự quản lí lỏng lẻo của cơ quan chức năng và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Nhà nước cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các đơn vị vi phạm, tăng mức xử phạt để răn đe. Cần siết chặt việc mở các trung tâm đào tạo và đầu tư mở cách trung tâm đạt chuẩn.

Giang Phương

Tôi yêu truyện cổ nước mình

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương ngưòi rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Tôi lớn lên như thế, với 1 tuổi thơ chân đất bắt chuồn chuồn, những buổi trưa hè oi ả chạy chơi dưới rặng tre xanh, lớn lên cùng lời ru ầu ơ của bà và những câu chuyện cổ. Ngày ba mẹ tôi đi xa, tôi quanh quẩn bên bà, quanh những câu chuyện cổ, lúc nấu cơm, khi quét nhà hay đêm khuya vắng… bà ngồi kể cháu nghe: “chuyện con cóc, nàng tiên, chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lí Thông độc ác”…..

Để rồi, bà dạy tôi biết đưa tay nắm lấy bàn tay kẻ khác lúc họ gặp khó khăn, dành sự cảm thông cho những kiếp người bất hạnh, bao dung với kẻ sai lạc, lỗi lầm. Lặng lẽ, âm thầm nhưng bền bỉ và chắc chắn, những câu chuyện cổ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, để tôi biết dành yêu thương cho gia đình, cho người thân và cho cuộc sống….

Tiếc thay, ngày nay những câu chuyện giản đơn nhưng thấm nhuần đạo nghĩa, mộc mạc, bình dị nhưng bao dung và sâu sắc ấy chẳng còn trong miền kí ức của trẻ thơ… Bây giờ, khi mà khoa học tiên tiến, đời sống con người nâng cao, người ta chăm lo cho trẻ về sức khoẻ, thể lực, về trí tuệ và học vấn… mà người ta quên đi rằng: tâm hồn cũng cần chăm sóc…. Bằng tình yêu thương, lòng sẻ chia, bằng sự quan tâm…. Bằng lời ru ầu ơ và bằng cả những câu chuyện cổ…

Giang Phương

Người đem đạo vào đời qua nghiệp võ

Gần 30 năm tuổi Đảng, gần 60 năm tuổi đời… công việc ở bệnh viện đã sắp xếp lại để chuẩn bị về hưu, nhưng niềm đam mê võ thuật và câu hỏi “làm thế nào để võ cổ truyền Việt Nam có thể bước ra thế giới”  trong ông vẫn đau đáu khôn nguôi… 

Võ sư Nguyễn Văn Thắng

Đem đạo vào đời qua nghiệp võ

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ học, cha là võ sư Nguyễn Văn Nhân – người thụ giáo môn Thiếu lâm gia truyền từ võ sư Vũ Tống Thành và môn Võ cổ truyền từ cụ Cử Tốn, trong lòng cậu bé Nguyễn Văn Thắng đã sớm hình thành tình yêu đối với võ thuật. Tình yêu nghề võ lớn dần theo năm tháng, cùng quyết tâm theo đuổi ước mơ chữa bệnh cứu người đã hình thành nên một bác sĩ – võ sư Nguyễn Văn Thắng của ngày hôm nay.

Trong suốt cuộc đời mình, võ sư Nguyễn Văn Thắng luôn đề cao cái “đạo” – đạo làm người và đạo của người học võ. Với ông, là người phải có tình yêu thương, là người học võ lại càng phải lấy yêu thương làm trọng. Tình yêu ấy không chỉ được thể hiện bằng lời nói, suy nghĩ xuông mà phải là những hành động thực tế. Một trong những điểm đặc biệt của “Thăng Long võ đạo” là môn phái không chỉ dạy võ cho người có thể trạng khoẻ mạnh mà còn dành thời gian chỉ bảo cho những người ốm yếu, bệnh tật. Dạy người khoẻ đã khó, truyền cho người yếu lại càng khó gấp vạn lần, nếu không phải là tình yêu thương, không biết bằng cách nào vị võ sư  có thể kiên nhẫn với công việc ấy.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng đang hướng dẫn người bệnh (ảnh nhân vật cung cấp)

Nghiêm khắc với con cái, học trò, ông còn rất nghiêm khắc với chính mình. Võ sư Nguyễn Văn Thắng không bao giờ cho phép mình bằng lòng với những gì đang có mà luôn phải cố gắng để hoàn thành tốt nhất có thể mọi vai trò của bản thân. “Thắng không kiêu, bại không nản” thành tích với ông không phải để khoe khoang, luyện võ với ông không phải để đao to búa lớn hơn người mà chỉ đơn giản một tâm niệm “vì trời đất lập thân – vì chân tâm lập mệnh”. Ông đề cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với các vị tôn sư luôn tỏ lòng hiếu đạo, đối với các ngày tưởng niệm như ngày giỗ Thánh tổ (20/8) , giỗ tổ môn phái (23/12) hay ngày kỉ niệm truyền thống môn phái hàng năm (10/10)… ông và đồ đệ luôn tổ chức một cách trịnh trọng dù không khoa trương.

Có lẽ chính bởi triết lí yêu thương, tính cách giản dị, khiêm tốn ấy mà ông luôn nhận được sự kính trọng tự môn sinh, bệnh nhân và những người từng một lần quen biết.

 Giữ “đạo” bằng cả cuộc đời

Là người tốt nghiệp hệ Trung cấp chính trị từ năm 1987 – sớm nhất bệnh viện, là Uỷ viên Ban chấp hành Thành đoàn khoá IX và X… tuy rất thành công trong các công tác thanh niên nhưng niềm đam mê võ thuật đã khiến ông bỏ dở con đường chính trị. Khi đang làm luận án tiến sĩ thì cụ Nguyễn Văn Nhân đột ngột mất, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng đành xếp bút để thay cha tiếp tục con đường võ học, trở thành trưởng môn đời thứ 2 của “Thăng Long võ đạo”. Dừng lại ở vị trí trưởng khoa, nhìn bạn bè khi xưa cùng học, cùng công tác giờ đã quyền cao chức trọng ông không hề nuối tiếc, mà ngược lại, ông rất tự hào vì bằng tâm huyết của mình đã góp 1 phần nào đó gìn giữ  võ cổ truyền ViệtNam.

Con đường đến với võ thuật của võ sư Nguyễn Văn Thắng tưởng như đơn giản hơn người khác vì được kế thừa tinh hoa võ học từ một dòng họ đã năm đời theo nghiệp võ, lại được cha chính thức truyền dạy từ khi 12 tuổi. Nhưng để trở thành một võ sư thật sự, ông đã phải tập luyện với một cường độ rất cao và kỉ luật vô cùng nghiêm khắc bởi người cha từng tham gia huấn luyện các đơn vị bộ đội trong quân ngũ.  Các bài tập như vận khí để cắm ngập 12 cây đũa được vót thẳng tắp bằng tre già xuống nền đất cứng bằng tay không trong vòng 12 tháng, dùng răng nhai… đá sỏi, thậm chí là thuỷ tinh, rồi (cũng dùng răng) để lôi, kéo các vật nặng… đã không ít lần khiến ông chịu nỗi đau về thể xác cũng như sự mệt mỏi về tinh thần.

Nhưng những khó khăn ấy không thể làm ông dừng bước, tình yêu đối với võ cổ truyền đã giúp ông quyết tâm theo đuổi nghiệp võ, trở thành một võ sư nổi tiếng với các công phu vô tiền khoáng hậu như “thiết xa chưởng”, “khẩu lợi công” từng làm xôn xao dư luận trong những năm 89 -90… Tại các kì đại hội, với giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm, vóc dáng thư sinh mảnh dẻ ông đã khiến cả khán đài phải sửng sốt khi biểu diễn “khẩu lợi công” – dùng răng nâng bổng chiếc bàn bao gồm nến, hạc đỉnh đồng, khung ảnh Đạt Ma sư tổ … nặng gần 80kg.

Và cũng chính tình yêu ấy là động lực để ông đã hi sinh cả ngôi nhà và đầu tư cả cuộc đời của mình, cùng các đệ tử phát triển “Thăng Long võ đạo” thành một võ phái có tiếng tăm, dành được hàng trăm huy chương từ các kì đại hội, thi đấu võ cổ truyền trong nước và quốc tế… có hàng ngàn môn sinh với nhiều võ đường, câu lạc bộ ở Hà Nội và các tỉnh khác. Không chỉ thế, võ phái còn từng ngày xứng đáng với chữ “Rồng bay” làm rạng rỡ truyền thống thượng võ của đất Kinh kì nói riêng, của dân tộc ViệtNamnói chung, đem tinh tuý khí công và võ học ra giúp người…

Gần 30 năm tuổi Đảng, gần 60 năm tuổi đời… công việc ở bệnh viện đã sắp xếp lại để chuẩn bị về hưu, nhưng cái đam mê với võ thuật và câu hỏi “làm thế nào để võ cổ truyền Việt Nam có thể bước ra thế giới” vẫn đau đáu khôn nguôi. Trong ông hôm nay vẫn bộn bề những kế hoạch, dự định để mở rộng võ phái trong nước và quốc tế theo hướng chuyên nghiệp hoá. Và chính bởi thế chăng? Vì còn muốn cống hiến, còn muốn xây dựng nên ông chưa từng thấy mình già mà luôn đầy sức sống.

Trầm ngâm nhớ lại những ngày khởi nghiệp trên 8m2 nhà, lấy then cửa làm côn, đũa cả làm kiếm… phải chịu cạnh tranh gay gắt từ các môn võ quốc tế, dạy võ chỉ bằng tình yêu với nghề. Tại Tổ đường của võ phái “Thăng Long võ đạo” ở số 179 Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội – võ sư Nguyễn Văn Thắng chân thành nói: “Dân tộc ta có truyền thống võ học, chính nhờ điều đó mà thắng giặc ngoại xâm mà bảo vệ được Tổ quốc. Võ cổ truyền chính là tinh hoa văn hoá dân tộc, phải được gìn giữ,  bảo tồn và phát huy.  Nhà nước cần dành sự quan tâm thực sự tới Võ cổ truyền. Việc xây dựng các trung tâm lớn, đầu tư trang thiết bị, kinh phí, đưa võ cổ truyền lên vị thế số 1 thay vì đầu tư cho các môn võ “ngoại lai” là việc cần làm nếu muốn gìn giữ văn hoá cổ truyền từ cha ông.

Giang Phương