Tuổi thơ dữ dội – Huyền thoại về những anh hùng chưa lớn

Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

 

Tôi thích cái cách người ta so sánh “Tuổi thơ dữ dội” như một câu chuyện thần thoại chứ không phải truyện cổ tích. Bởi nhân vật trong cổ tích thì hiền lành quá, cái thiện đối với cái ác, để chiến thắng luôn phải nhờ vào những điều không thật. Còn bao anh hùng nhỏ tuổi nơi đây, chiến thắng bằng tất thảy sự dũng cảm, kiên cường và niềm kiêu hãnh tuổi thơ của mình.

Nếu các tác phẩm văn học nhắc tới năm tháng đất nước xưa thường nhắc tới dân quân, bộ đội, thanh niên xung kích… những người trưởng thành đánh giặc. Thì “Tuổi thơ dữ dội” lại đi theo một con đường riêng, làm sống lại bao thế hệ trẻ thơ mà không hề có tuổi thơ… Ở đó, cái khái niệm bộ đội trẻ con và bộ đội người lớn là ranh giới nhưng không phải giới hạn cho những chiến đấu, hi sinh…

Tôi sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, mảnh vỡ bom đạn chẳng khác nào điều không thật còn lịch sử chỉ là màn sương mờ ảo trong lời kể và sách giáo khoa… Bởi vậy, tác phẩm này ám ảnh tôi ngày mới cầm nó trên tay, day dứt tôi tới tận bây giờ…

“Tuổi thơ dữ dội” xoay quanh cuộc sống của những thiếu niên 13 – 14 tuổi thuộc Đội thiếu niên trinh sát, Trung đoàn Trần Cao Vân chiến đấu tại chiến trường Huế trong những năm khói lửa nhất, gian khổ nhất. Ở nơi mà cái đói, cái rét và bệnh tật luôn hành hạ… đạn bom kẻ thù hàng ngày hàng giờ rình rập đủ sức làm nao lòng tất cả những người trưởng thành kiên cường và cứng rắn.

Từ “Tuổi thơ dữ dội”, các anh hùng trẻ tuổi của chúng ta đã đem tới cho độc giả nhiều xót xa cũng lắm tự hào. Bao nhiêu lần cầm cuốn sách trên tay là bấy nhiêu lần tôi không khỏi rơi nước mắt. Khóc trước cuộc sống cơ cực thiếu thốn của các em trong cuộc chiến đấu gian khổ.. Khóc cho lòng dũng cảm và sự kiên cường. Xót thương cho những tâm hồn chân chất, mộc mạc, ngây thơ, những tính cách dí dỏm, vô tư, hồn nhiên… giữa một thời cuộc đầy sóng gió.

Đó là khi Lượm kiên cường chống chọi với băng Lép- sẹo trong nhà giam bẩn thỉu, hôi thối, không hé răng kêu than nửa lời với đòn tra tấn dã man của kẻ thù để bảo vệ đồng đội.

Đó là khi Quỳnh Sơn – ca thà chết trong đau đớn chứ không chịu theo người cha Việt gian của mình về chữa trị, giấc mơ âm nhạc hay giàu sang không đủ để đổi lấy tình đồng đội, không so sánh nổi với sự đói khổ, sốt rét, ghẻ lở bên anh em.

Đó là khi Vịnh “sưa” vô tình lạc vào kho vũ khí của giặc đã tìm cách trèo lên chiếc cột cao nhất rồi đánh cờ hiệu cho đài quan sát… Khi mà mọi người kịp đọc những dòng cuối cùng của em thì cũng là lúc em hi sinh. Hình ảnh em trở thành kim chỉ nam hướng dẫn quân ta tấn công và chiến thắng… Hình ảnh em hiện lên như một tượng đài bất tử trong lòng thành phố Huế gây bao xúc động và xót xa.

Tác phẩm viết về từng số phận, từng con người nhưng không hề cho người đọc cảm giác rời rạc và nhàm chán mà nó như một bản trường ca về sự gan dạ, dũng cảm đến khó tin nhưng lại ngây thơ, vô tư, nghịch ngợm vô cùng. Bao cung bậc cảm xúc, tính cách hòa quyện để ca lên bài ca đầy xúc động và tự hào về lịch sử tuổi thơ Việt.

Với “Tuổi thơ dữ dội” – tác giả Phùng Quán đã trả nợ xứng đáng công lao to lớn cùng sự hi sinh cao đẹp của các thiếu nhi vệ quốc… khi mà sách vở viết về mặt này quá ít, nhà văn Việt Nam còn mắc nợ các em rất nhiều.

Giang Phương